Tư duy hệ thống là chìa khóa giúp doanh nghiệp quản trị nguồn nhân lực một cách toàn diện và hiệu quả. Bằng cách nhìn nhận và phân tích các mối quan hệ trong tổ chức, tư duy hệ thống giúp tối ưu hóa quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá hiệu suất và duy trì văn hóa doanh nghiệp.
Trong bài viết này, True Success sẽ giúp bạn khám phá cách áp dụng tư duy hệ thống để xây dựng một đội ngũ nhân sự vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tổng quan về quản trị nguồn nhân lực
Quản trị nguồn nhân lực là quá trình quản lý và điều phối các hoạt động liên quan đến con người trong tổ chức nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh và tối ưu hóa hiệu suất lao động. Nó bao gồm tuyển dụng, đào tạo, phát triển, đánh giá, quản lý hiệu suất, thù lao và phúc lợi, quan hệ lao động, quản lý thông tin nhân sự và đảm bảo tuân thủ pháp luật. Quản trị nguồn nhân lực tạo môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy sự phát triển của nhân viên và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài, phát triển năng lực nhân viên, tăng cường hiệu suất làm việc và xây dựng môi trường làm việc tích cực. Công việc này đảm bảo tuân thủ pháp luật, quản lý sự thay đổi và tăng cường mối quan hệ, sự gắn kết với nhân sự, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực con người, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh.
Tư duy hệ thống là gì?
Tư duy hệ thống là một loại hình tư duy mới, bên cạnh những loại hình tư duy quen thuộc như tư duy nhân quả, tư duy logic, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện.
Tư duy hệ thống là tư duy hướng tới tổng thể, thay vì nhìn vào từng thành phần đơn lẻ, tư duy hệ thống nhìn vào liên kết và cách thức tổ chức của các thành phần đó. Sự liên kết của các thành phần có ảnh hưởng quan trọng trực tiếp lên tổng thể, quyết định bản chất của tổng thể.
Tư duy hệ thống khuyến khích chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề, đưa ra những giải pháp với tầm nhìn xa, rộng và bền vững.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn sự vận động của sự vật theo dòng chảy của thời gian.
Xem thêm: Tư Duy Hệ Thống – Năng Lực Của Nhà Lãnh Đạo Xuất Sắc
Quản trị nguồn nhân lực dưới góc nhìn Tư duy hệ thống
Tư duy hệ thống giúp chúng ta xem xét nguồn nhân lực như một hệ thống thú vị, chứa bên trong nhiều hệ thống nhỏ hơn: Mỗi người là một hệ thống, Ban BOD là một hệ thống, đội ngũ lãnh đạo là một hệ thống, đội ngũ lao động trực tiếp là một hệ thống, các tổ chức/nhóm trong nhân sự là một hệ thống…
Để hệ thống nguồn nhân lực trở nên hiệu quả, ba thành tố sau đặc biệt quan trọng:
- Con người: Đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ nhân sự trực tiếp
- Mục đích, chức năng: Các phòng ban, đội nhóm phải có mục đích, chức năng rõ ràng, đồng thời phải các chức năng. Mục đích này đều phải hướng tới thực hiện mục đích của doanh nghiệp.
- Mối liên kết: Mối liên kết giữa đội ngũ lãnh đạo, giữa đội ngũ lãnh đạo và nhân sự đặc biệt quan trọng. Những người làm công tác quản trị và sử dụng nhân sự phải tạo ra mối liên kết chặt chẽ, hợp lý trong đội ngũ nhân sự của mình.
Tư duy hệ thống chỉ ra đặc điểm của nguồn nhân lực
- Dòng vào: Là những nhân sự tuyển dụng mới, luân chuyển mới, đào tạo phát triển.
- Dòng ra: Là những nhân sự nghỉ việc, luân chuyển đi, hiệu quả công việc, những năng lượng bị lãng phí do không sử dụng hoặc sử dụng sai đích.
- Nguồn dự trữ: Số lượng nhân sự, năng lực nhân sự, thái độ và động lực, năng lượng, đam mê, gắn kết, sẵn sàng cống hiến.
- Vòng lặp: Các vòng đời nhân sự: Tuyển dụng đào tạo làm việc nghỉ việc; các thói quen của nhân sự; các vòng lặp trong đào tạo phát triển…
- Sự hợp trội: Khi kết hợp với nhau để cùng thực hiện chung một mục tiêu, dự án, các nhân sự sẽ tạo ra sự hợp trội, tạo ra những hiệu quả, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp hay cách thức thực hiện có tính trội mà không một người đơn lẻ nào có thể tạo ra; đây cũng không phải là phép tính cộng thông thường của tất cả mọi người lại, mà là siêu phép tính, có thể tạo ra những kết quả gấp nhiều lần tổng sức mạnh của thành viên. Sự hợp trội này tạo nên tính trội của hệ thống, làm nên sức mạnh của hệ thống.
- Tính cưỡng bức: Sự hợp trội tạo nên tính cưỡng bức của đội ngũ, một cá nhân phải tuân thủ các cam kết, thống nhất, tính trội của hệ thống hoặc của cấp trên.
- Các lỗi hệ thống: Đây là những lỗi mang tính hệ thống có thể thấy trước khi ban lãnh đạo đưa ra những quyết định cho đội ngũ như: Kháng chính sách (khi ban lãnh đạo đưa ra một chính sách, sẽ có sự kháng cự của những nhóm/nhân sự bị ảnh hưởng quyền lợi); cha chung không ai khóc (sử dụng nguồn lực chung một cách bừa bãi); đẩy gánh nặng cho người can thiệp (đùn đẩy công việc, trách nhiệm cho người hỗ trợ mình); Chiến tranh leo thang (diễn ra khi các đội nhóm, con người cạnh tranh thiếu lành mạnh với nhau, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm lẫn nhau…); Lách luật (xảy ra khi doanh nghiệp ban hành những quy định thì bị nhóm người/cá nhân tìm cách thực hiện một cách chống đối, nhìn bề ngoài có thể đúng luật, nhưng bên trong thực tế đang phá luật)…
- Các yếu tố điều hướng: Tư duy hệ thống giúp nhà lãnh đạo có thể tìm ra các yếu tố đòn bẩy, có thể gây tác động mạnh lên đội ngũ, hoặc sửa chữa những sai lầm đúng chỗ, hoặc tạo ra sự phát triển bền vững. Ví dụ: Học tập chính là một yếu tố điều hướng/điểm đòn bẩy có tác động mạnh mẽ lên nguồn nhân lực. Nếu được đào tạo một cách hợp lý, sẽ tạo ra một đội ngũ có đủ năng lực, thái độ tốt, có sự kết nối chặt chẽ, sẵn sàng cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.
Lời kết
Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, tư duy hệ thống đã chứng minh được vai trò quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực. Bằng cách xem xét và quản lý các yếu tố liên quan đến con người một cách toàn diện và kết nối, doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa hiệu quả làm việc mà còn tạo ra môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việc áp dụng tư duy hệ thống trong quản trị nguồn nhân lực không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà còn xây dựng được một đội ngũ nhân sự mạnh mẽ, gắn kết và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường chinh phục những mục tiêu lớn.