Ranh giới giữa tranh luận và tranh cãi rất mong manh. Đôi khi, trong giao tiếp chúng ta không thể tránh khỏi những cuộc tranh luận, và nếu như không biết kiềm chế cảm xúc thì sẽ rất dễ dẫn đến tranh cãi, gây ra các hậu quả khôn lường. Thậm chí có một số người cực kỳ ngại trong hoạt động tranh luận vì họ luôn nghĩ rằng tranh luận là tranh cãi.
Vậy thế nào là tranh luận? Và thế nào là tranh cãi?
Theo tôi, tranh cãi thường mang tính cá nhân, thiên về việc phân định đúng sai, thắng thua. Người tham gia tranh cãi luôn cố thể hiện là mình thắng, còn người kia thua, thậm chí nhiều người còn muốn làm cho người kia mất mặt. Hay nói cách khác, tranh cãi tập trung vào cái tôi và thường dùng cảm xúc cá nhân nhằm cố gắng đè đối phương xuống để cho mình thắng.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là tranh luận có nhất thiết cần phải thắng thua, đúng sai hay không? Tranh luận để hướng đến điều gì?
Thực ra mục đích của tranh luận là để giải quyết được vấn đề, thậm chí không phải là phân định thắng thua mà là win – win – win, hay tôi thường nói là 1 + 1 = 100. Dưới đây tôi sẽ giải thích cụ thể hơn về khái niệm 1 + 1 =100.
Khi nào 1 + 1 = 100?
Ví dụ có một nhóm người tranh luận với nhau. Mỗi người nêu một quan điểm khác nhau. Trong quá trình bày tỏ quan điểm thì người này nhận ra quan điểm của người kia cũng có cái hay riêng. Rồi người này dung nạp, triển khai tiếp cái quan điểm của người kia. Hai người cùng thấy quan điểm của nhau đều hay, đều có lý, họ bổ sung cho nhau rồi cùng nhau đẩy cái quan điểm đó lên.
Như vậy thì vấn đề tranh luận không còn là vấn đề cá nhân đơn thuần chỉ nêu ra ý cá nhân của mình. Thay vào đó, lúc này khi một người nêu ra ý của họ, nhưng mà từ ý đó chúng ta có thể dung nạp và phát triển lên. Do đó, 1 + 1 không còn là bằng 2 nữa. Mà từ những ý chúng ta đưa ra tranh luận thì 1 + 1 có thể thành 100. Bởi vì những ý đó liên tục được phát triển lên mà một mình chúng ta rất khó để có thể làm được.
Có thể nói tranh luận quan trọng nhất là giải quyết vấn đề, win – win – win. Ngoài ra còn là sự là tôn trọng và lắng nghe. Mặt khác, tranh luận không theo cá nhân ai mà nghe theo lẽ phải. Mặc dù cái ý đó không phải là của mình nhưng nếu người ta đúng thì mình cũng cần nghe theo và tôn trọng ý đó. Cụ thể, nghe theo lẽ phải nghĩa là điều gì phải thì mình nghe, không là chỉ mặc định nghe theo ý mình, còn người khác dù nói phải thì mình cũng không thèm nghe. Cái đó sẽ trở thành tranh cãi, nhỏ nhen.
Hơn nữa, chúng ta cần theo tranh luận trên cơ sở tôn trọng, người nói dù đúng hay sai thì cũng cần được tôn trọng vì mỗi người có thế giới quan khác nhau. Không có nghĩa là mình nêu ra quan điểm không hay, ý mình không hay, ý mình kém ý sếp, mình phải xấu hổ. Trong quá trình tranh luận, mọi người đều lớn lên, ngay cả sếp cũng lớn lên hơn bản thân sếp. Chúng ra cũng từ cái tranh luận mà lớn hơn chính mình. Và cuối cùng chúng ta bằng 100. Sếp thắng, nhân viên thắng và chúng ta thắng.
Còn nếu chúng ta sa đà vào tranh cãi thì sẽ thành 1 + 1 = -1 vì nó sẽ phá hủy vấn đề cần giải quyết.
Vậy giữa 2 tranh luận và tranh cãi thì cái nào là văn hóa doanh nghiệp?
Câu trả lời cả 2 cái này đều là văn hóa. Cái gì cũng có thể là văn hóa kể cả điểm mạnh hay điểm xấu, điểm phù hợp hay không phù hợp.
Nếu doanh nghiệp bạn có văn hóa tranh luận thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đi lên, thúc đẩy từng nhân sự đi lên và đây là văn hóa phù hợp.
Còn văn hóa tranh cãi có thể có ở một bộ phận hay một nhóm nào đó. Văn hóa này thứ nhất sẽ phá vỡ văn hóa của doanh nghiệp. Thứ 2, nó sẽ kìm hãm sự phát triển. Và thứ 3, nó sẽ kéo các bạn xuống, các bạn không thoát ra được. Nếu các bạn còn đang lâm vào vùng này mà không thoát ra được, tức là không thoát được chính bản thân mình thì đừng hy vọng có thể đưa doanh nghiệp tiến xa hơn trong tương lai. Do đó, tranh cãi tuy cũng được coi là văn hóa, nhưng là văn hóa không phù hợp và nó đúng ra cẩn phải được loại bỏ.
TMời bạn theo dõi video này để tìm hiểu chi tiết hơn về nội dung này nhé!