Thuyết nhu cầu của McClelland là một trong những mô hình tâm lý nổi tiếng nhất về nhu cầu của con người, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh và tổ chức. Trong cuốn sách “The Achieving Society” mà ông cho ra mắt năm 1961, đã đưa ra nhận định về 3 nhu cầu mà con người đều có. Cùng True Success tìm hiểu về 3 nhu cầu này.
Lý thuyết thúc đẩy theo thuyết nhu cầu của McClelland
Thuyết nhu cầu của McClelland (Acquired Needs Theory) cho rằng nhu cầu của một người là kết quả họ từng đạt được từ những trải nghiệm bản thân.
Khi nghiên cứu nhu cầu của nhiều cá nhân khác nhau ở các độ tuổi, giới tính, văn hóa, điều kiện… khác nhau, McClelland kết luận rằng có ba nhu cầu cơ bản gồm: thành tựu, quyền lực và liên kết. Bên cạnh đó, ông còn khẳng định: mỗi người đều sẽ có đồng thời cả ba nhu cầu này, chỉ là trong đó nhu cầu nào mạnh nhất đủ để tác động chi phối bản thân bạn.
Nhu cầu thành tựu trong thuyết nhu cầu của McClelland
Theo thuyết nhu cầu của McClelland, nhu cầu thành tựu là động lực hướng tới khao khát hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nhu cầu này là sẽ thúc đẩy con người nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu bản thân đề ra.
Những người này yêu thích những công việc có tính thách thức cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Họ có xu hướng kích thích bởi sự chinh phục nên những nhiệm vụ đơn giản, thường thường, tính rủi ro thấp sẽ khiến họ trở nên chán nản. Hoặc những dự án có rủi ro quá cao, thiên nhiều về may rủi cũng thường khiến họ lựa chọn phương án né tránh do họ nhận thức rất rõ về thực lực của bản thân.
Họ thích tìm tòi và lựa chọn những cách thức tối ưu nhất để giải quyết. Vì vậy, họ sẽ rất hào hứng với môi trường làm việc đòi hỏi trình độ nhất định và hướng tới kết quả.
Tìm hiểu thêm: 8 cách quản trị theo Thuyết hai nhân tố của Herzberg
Nhu cầu quyền lực trong thuyết nhu cầu của McClelland
Theo thuyết nhu cầu của McClelland, nhu cầu quyền lực là động lực hướng tới tầm ảnh hưởng hay khả năng kiểm soát cao. Nhu cầu này sẽ thúc đẩy con người hành động mạnh mẽ để đặt được sự tôn trọng và địa vị trong một tập thể hay cộng đồng.
Có thể chia những người có nhu cầu này thành 2 nhóm: Cá nhân và tổ chức. Trong đó:
- Quyền lực cá nhân: Người có nhu cầu kiểm soát người khác cao
- Quyền lực tổ chức: Người mong muốn lãnh đạo tập thể hướng tới mục tiêu chung
Họ thích những dự án có mức độ rủi ro cao, thậm chí kết quả của chúng sẽ gây ảnh hưởng đến cả tập thể. Vì họ muốn trở thành người tiên phong, dẫn đầu và sẵn sàng tranh luận hay làm mọi cách để khẳng định năng lực bản thân mình.
Ưu điểm
Những người có nhu cầu quyền lực luôn hướng tới mục tiêu lớn, vì vậy họ không sợ thách thức và sẵn sàng tìm mọi cách vượt qua khó khăn để đạt được chúng. Vì vậy. họ là ứng cử viên nổi trội nếu tham gia các hoạt động mang tính hoạch định và những dự án có tính đổi mới hay tái tạo tổ chức, doanh nghiệp.
Nhược điểm
Những người trong nhóm này có thể có những mục tiêu riêng khác với mục tiêu chung của tổ chức. Vì vậy, khi họ quá tập trung vào mục tiêu riêng của mình có thể sẽ lơ là hoặc thậm chí là ảnh hưởng xấu tới lợi ích của tổ chức.
Bên cạnh đó, nếu họ không lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp sẽ khó có thể hòa nhập với tập thể do dễ có xu hướng chuyên quyền, áp đặt người khác.
Cách thức quản trị nhân lực phù hợp
Những nhân viên có nhu cầu quyền lực là ứng cử viên sáng giá cho các vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Vì vậy, lãnh đạo nên cân nhắc đến việc trao quyền đúng lúc cho những nhân viên có năng lực. Bằng việc trao trách nhiệm sẽ giúp họ thúc đẩy bản thân thể hiện tối đa những năng lực lãnh đạo mà bản thân họ có. Tuy nhiên, lãnh đạo vẫn cần kiểm soát sát sao để đảm bảo quá trình làm việc chung không có mâu thuẫn do tính cách quá “mạnh mẽ” của họ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nên thường xuyên lắng nghe phương án của những nhân viên này, nhất là đối với những dự án mang tính tiên phong hoặc đổi mới vì có thể sẽ khai thác được rất nhiều ý tưởng đột phá thông qua họ.
Nhu cầu liên kết trong thuyết nhu cầu của McClelland
Theo thuyết nhu cầu của McClelland, nhu cầu liên kết là động lực hướng tới sự kết nối và khả năng tạo thiện cảm với người khác. Nhu cầu này sẽ thúc đẩy con người tạo các mối quan hệ thân thiết trong một tập thể, cộng đồng.
Những người trong nhóm này thường sẽ thích hợp tác hơn là cạnh tranh với mọi người xung quanh. Họ thường luôn tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của tổ chức và luôn muốn hòa nhập thay vì nổi bật trước đám đông. Vì vậy, họ thường chỉ lựa chọn các nhiệm vụ có tính thách thức thấp hoặc trong môi trường giao lưu, hợp tác thay vì mang tính cá nhân quá nhiều.
Ưu điểm
Những người có nhu cầu liên kết là “thỏi nam châm” cực mạnh giúp doanh nghiệp gắn kết các cá nhân trong một tập thể. Họ có thể tìm ra nhiều cách thức để kéo gần khoảng cách của mọi người với nhau và với bản thân. Đặc biệt, những người trong nhóm này cũng có tính nhiệt tình cao, tạo ra động lực và thúc đẩy nhân viên khác làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, những nhân viên trong nhóm này thường tôn trọng các nguyên tắc, quy định của tổ chức. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ có thể đảm bảo làm tốt các công việc mang tính thường xuyên, đều đặn cũng như duy trì tốt những chính sách của doanh nghiệp.
Nhược điểm
Do những nhân viên trong nhóm này luôn ưu tiên sự gắn kết trong nhóm, vì vậy đôi khi họ sẽ không muốn tranh luận để thể hiện ý kiến của bản thân phù hợp với tập thể. Điều này sẽ có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đạt mục tiêu của doanh nghiệp.
Cách thức quản trị nhân lực phù hợp
Đối với nhóm này, người lãnh đạo cần tận dụng khả năng của họ trong các hoạt động truyền thông nội bộ để tăng tính gắn kết trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng cần thường xuyên khuyến khích họ đưa ra ý kiến của mình. Hãy giúp họ hiểu rằng việc họ thể hiện quan điểm có thể giúp đội nhóm/phòng ban tìm ra cách thức đạt được mục tiêu tối ưu hơn.
Xem ngay Webinar Percoach – Khai mở tiềm năng nhân sự để áp dụng phương pháp quản trị truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân sự trong webinar ONLINE MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY.
Lời kết
Thuyết nhu cầu của McClelland là thuyết quản trị mà lãnh đạo có thể lựa chọn cách thức quản trị nhân lực phù hợp với nhân sự ở từng nhóm để tạo động lực thúc đẩy họ làm việc hiệu quả hơn. Hy vọng những chia sẻ của True Success có thể giúp bạn phát triển doanh nghiệp nhanh chóng và bền vững!