Lãnh đạo là người dẫn dắt và đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến sự sống còn, phát triển của tổ chức/đội nhóm. Vì vậy, họ là người có trách nhiệm lớn nhất trong quá trình làm việc của bản thân và nhân sự. Tuy nhiên, nhiều người lãnh đạo lại có thói quen “đổ lỗi” cho nhân viên để trốn tránh trách nhiệm.
Trong bài viết dưới đây, True Success sẽ phân tích kỹ hơn về thói quen tiêu cực này và các giải pháp để điều chỉnh kịp thời phong cách lãnh đạo trước khi khiến nhân sự hoàn toàn thất vọng.
Nguyên nhân dẫn đến phong cách lãnh đạo “thích đổi lỗi”
Thói quen “đổi lỗi” có thể bắt gặp ở bất kỳ người quản lý nào, tuy nhiên phần nhiều sẽ xuất hiện ở những lãnh đạo yếu kém, non trẻ. Có hai nguyên nhân khiến họ có tâm lý này mà ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là: Lãnh đạo cho rằng bản thân luôn đúng và lãnh đạo không công tư phân minh.
Lãnh đạo cho rằng bản thân luôn đúng
Nhiều quản lý luôn cho rằng trình độ và năng lực của bản thân hơn tất cả đội ngũ nhân sự. Vì vậy, họ sẽ không chấp nhận việc đội nhóm/phòng ban không hoàn thành mục tiêu là do cách quản lý của họ.
Thay vì phân tích kỹ vấn đề và xem xét lại trách nhiệm của mình trong đó, họ chỉ tập trung vào các lỗi của nhân viên để đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu họ. Điều này thể hiện phong cách lãnh đạo yếu kém khi luôn giữ tâm lý cố chấp, áp đặt: Chỉ có nhân viên làm sai chứ không có chuyện lãnh đạo quản lý sai!
Lãnh đạo không công tư phân minh
Thực tế không thể tránh khỏi trong một tập thể, những người có năng lực làm việc nổi trội cùng với tính cách phù hợp sẽ dễ gây được ấn tượng và tạo được thiện cảm nhiều hơn. Tuy nhiên, một số quản lý lại có kỹ năng lãnh đạo không tách biệt rạch ròi được tình cảm giữa cá nhân và công việc.
Cụ thể trong cùng một dự án thất bại, họ sẽ có xu hướng tập trung vào lỗi của những nhân viên năng lực bình thường hơn và có thể dần”quan trọng hóa” nó đối với việc mục tiêu không hoàn thành. Dần dần, họ sẽ quen với việc đổ lỗi do bản thân cho rằng bản thân có lý do “hợp lý” để làm như vậy.
Hậu quả phong cách lãnh đạo “thích đổ lỗi”
Không cần nhiều thời gian nghiên cứu, việc quản lý có thói quen “đổ lỗi” trong kỹ năng lãnh đạo của mình chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc của nhân viên. Họ sẽ luôn có tâm lý lo lắng, thậm chí là sợ hãi mỗi khi nhận nhiệm vụ.
Vì nếu mục tiêu chung không hoàn thành, dù họ có cố gắng như thế nào thì quản lý cũng sẽ chỉ tập trung vào những điều họ chưa đạt tiêu chuẩn để đổ lỗi. Từ đó, nhân viên sẽ không dám phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình và dần dần trở nên thụ động trong công việc, thậm chí có thể lựa chọn rời đi.
Bên cạnh đó, nhìn vào đội ngũ nhân sự có thể đánh giá được phong cách lãnh đạo của người quản lý. Vì vậy, việc quản lý luôn nóng nảy, trốn tránh trách nhiệm khiến nhân sự luôn cảm thấy ấm ức, ức chế cũng thể hiện rõ rệt sự yếu kém, non nớt trong khả năng quản trị. Thậm chí phải trả giá bằng “vị trí” của mình vì không còn nhận được sự tôn trọng của nhân viên.
Giải pháp thay đổi phong cách lãnh đạo “thích đổ lỗi”
Ngưng phán xét
Một nhân viên chậm deadline có thể là do nhiều nguyên nhân khách quan như: thiết bị trục trặc, công việc của nhân viên phụ trách giai đoạn phía trước bị gián đoạn, phát sinh tình huống ngoài dự đoán… Vậy nếu người quản lý không chịu lắng nghe lời giải thích mà vội vàng phán xét họ là người thiếu trách nhiệm trong công việc thì thay vì tiết kiệm thời gian sẽ chỉ khiến vấn đề càng trầm trọng hơn.
Vì vậy, quản lý cần rèn luyện một phong cách lãnh đạo bình tĩnh, kỹ năng lắng nghe để thấu hiểu nhân sự của mình. Để nhân sự cảm thấy được tôn trọng, thay vì đưa ra lời khuyên, quản lý có thể thông qua các câu hỏi để giúp họ nhìn ra vấn đề và tự tìm ra phương án giải quyết tốt nhất cho bản thân
Cùng nhận lỗi
Trong mọi trường hợp, là người đứng đầu, quản lý phải luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với việc tập thể không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, thay vì đổ lỗi, hãy cùng nhận lỗi. Điều này không hạ thấp kỹ năng lãnh đạo mà ngược lại còn nâng cao mức độ chuyên nghiệp trong phong cách lãnh đạo của họ. Là quản lý phải dám chịu trách nhiệm!
Tập trung thay đổi
Cuối cùng, điều quản lý cần tập trung không phải “Lỗi do ai?” mà là “Làm thế nào để khắc phục và khiến nó không bị lặp lại?”. Hãy tập trung vào hiện tại và tương lai thay vì chỉ “chăm chăm bới móc” quá khứ vì hành động này chỉ khiến nhân viên mệt mỏi và không thể giải quyết được điều gì.
Quản lý cần họp lại với đội nhóm/phòng ban để cùng phân tích toàn bộ quá trình làm việc, tìm ra nguồn gốc vấn đề và thống nhất phương án khắc phục cũng như rút kinh nghiệm cho toàn bộ đội ngũ trong những dự án sau.
Tìm hiểu phương pháp huấn luyện Percoach – Khai mở tiềm năng nhân sự đã được các doanh nghiệp áp dụng thành công trong việc truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân sự trong webinar ONLINE MIỄN PHÍ sau: http://truesuccess.asia/webinar_percoach
Lời kết
Lãnh đạo phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc dẫn dắt tổ chức/đội nhóm phát triển. Thay vì trốn tránh, bạn buộc phải chấp nhận bản thân chiếm ít nhất 50% nguyên nhân gây ra việc không hoàn thành mục tiêu chung. Bên cạnh đó cần biết cách thấu hiểu khó khăn của nhân sự và đồng hành cùng họ tìm kiếm phương án giải quyết lâu dài.
Hy vọng bài viết của True Success có thể giúp các nhà quản trị phát triển doanh nghiệp nhanh chóng và bền vững!