Mọi môi trường làm việc đều sẽ có đội ngũ nhân sự có những cá tính đa dạng và khí chất khác nhau. Trong đó, cách phân biệt cơ bản nhất là: nhân sự hướng nội và hướng ngoại. Mặc dù tính cách không nói lên năng lực làm việc nhưng do sự hạn chế hơn về mặt giao tiếp khiến lãnh đạo khó khai thác tiềm năng của họ hơn.
Trong bài viết dưới đây, True Success sẽ phân tích kỹ hơn về những ưu điểm của người hướng nội trong công việc để các lãnh đạo có thể thấy được tiềm năng to lớn của họ trong việc phát triển doanh nghiệp đột phá.
Nhân sự hướng nội là gì?
Nhân sự hướng nội thường là những người trầm tĩnh, ít nói hơn so với tập thể, hành động và suy nghĩ thiên nhiều về mặt nội tâm nên họ khó có thể dễ dàng chia sẻ suy nghĩ với những người xung quanh. Vì vậy, họ thường bị hiểu lầm là người có tính cách rụt rè, nhút nhát, sợ người lạ.
Dấu hiệu của người hướng nội trong công việc
Một số dấu hiệu của người hướng nội mà lãnh đạo hay đồng nghiệp có thể dễ dàng nhận thấy chỉ qua quan sát bao gồm:
- Thích làm việc cá nhân, tự mày mò hơn là làm việc nhóm.
- Thường lắng nghe nhiều hơn là đưa ra ý kiến liên tục.
- Xử lý thông tin chậm và thường có cách thức phân tích mới mẻ, khác biệt.
- Thích tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm.
- Không thích là trung tâm của sự chú ý của tập thể cũng như muốn được phản hồi trực tiếp kiểu 1-1.
- Vòng tròn mối quan hệ khá hạn chế nhưng sâu sắc, chất lượng
Đặc biệt, có hai kiểu người hướng nội trong công việc mà lãnh đạo cần chú ý chính là: Khép kín bởi tự ti về khả năng và chưa làm quen với môi trường làm việc và khép kín do cá tính thích độc lập, thích làm việc cá nhân hơn làm việc nhóm.
Đối với kiểu nhân viên đầu tiên, lãnh đạo sẽ cần chú trọng huấn luyện, đào tạo và cho họ thời gian làm quen với luồng công việc cũng như xây dựng các mối quan hệ. Còn đối với kiểu nhân viên thứ hai, lãnh đạo sẽ cần tạo các cơ hội để họ hiểu được vai trò đội nhóm.
Sở trường của người hướng nội trong công việc
Mặc dù thường ít giao tiếp và đưa ra ý kiến nhưng không vì thế mà ưu điểm của người hướng nội lại ít hơn người khác. Nếu lãnh đạo có thể nhận ra sở trường của người hướng nội, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có một nguồn nhân lực vô cùng mạnh mẽ.
Suy nghĩ thấu đáo
Tính cách người hướng nội thường bị nhầm tưởng là luôn rụt rè, ngại ngùng, nhút nhát. Thực chất không phải tất cả họ đều như vậy. Thực chất đa số nhân sự hướng nội giỏi đều không phản ứng ngay lập tức trong các cuộc họp hay cuộc đối thoại do họ cần phải xem xét thật sự kỹ lưỡng trước khi đưa ra ý kiến.
Thời gian xử lý thông tin của những nhân viên này sẽ lâu hơn và thường sâu hơn người khác, và việc lựa chọn từ ngữ sao cho có thể biểu đạt ngắn gọn, dễ hiểu hơn cũng khiến họ mất thời gian hơn. Vì vậy, dù không nói nhiều nhưng chất lượng những đóng góp của họ thường không hề nhỏ.
Khả năng tập trung cao
Nhân sự hướng nội khó có thể làm nhiều việc cùng lúc, nhưng bù lại khả năng tập trung của họ cực kỳ tốt. Mặc dù họ sẽ phát huy được tối đa khả năng trong môi trường yên tĩnh và cá nhân, nhưng thực tế mức độ tập trung vào mục tiêu của họ vẫn rất lớn trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào. Điều này khiến họ duy trì năng suất làm việc tối ưu và đều đặn.
Biết cách quan sát và lắng nghe
Thay vì chú trọng việc duy trì các cuộc hội thoại bằng cách phản ứng ngay lập tức, người hướng nội sẽ lựa chọn im lặng và quan sát kỹ càng mọi thứ. Đây là lúc họ phân tích thông tin thông qua mọi cử chỉ, lời nói, hoạt động của đối phương hay sự vật, sự việc bất kỳ.
Bên cạnh đó, người hướng nội cũng rất biết cách lắng nghe và tôn trọng quan điểm của mọi người. Họ sẽ dựa vào tổng hợp từng chi tiết trong quá trình giao tiếp để thấu hiểu đối phương cũng như đưa ra lời giải đáp hay lời khuyên đúng đắn và phù hợp.
Phát triển chiều sâu các mối quan hệ
Vòng bạn bè của nhân sự hướng nội không nhiều, tuy nhiên chất lượng của từng mối quan hệ lại cực kỳ cao. Điều này là do tính cách người hướng nội thiên về khả năng lắng nghe, quan sát và suy nghĩ thấu đáo trước mỗi lời nói hay hành động của họ.
Người hướng nội có thể nắm bắt được tâm lý của đối phương và lựa chọn cách tiếp cận phù hợp. Điều này khiến họ nhận được sự tin tưởng của mọi người xung quanh. Có thể nói tuy họ không giỏi mở rộng vòng bạn bè nhưng lại là “chuyên gia” trong việc phát triển chiều sâu các mối quan hệ.
Tố chất lãnh đạo
Thực tế, những người hướng nội lại có khả năng rất cao sẽ trở thành lãnh đạo. Cụ thể, trong quá trình giao tiếp, tương tác, họ sẽ chú trọng việc quan sát, lắng nghe các chi tiết và tư duy sâu nên khả năng “nhìn người” và đánh giá của họ thường rất chính xác.
Bên cạnh đó, việc suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra ý kiến, quyết định hay lời nói, hành động cũng khiến những người hướng nội dễ tạo được sự tin tưởng hơn từ mọi người xung quanh. Điều này sẽ giúp kéo gần khoảng cách giữa lãnh đạo với nhân viên cũng như duy trì văn hóa doanh nghiệp cởi mở và bền chặt.
Đặc biệt, do người hướng nội luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi nhưng cùng với khả năng tập trung vào mục tiêu khiến họ sẽ có thể tư duy sâu một cách độc lập và đa góc nhìn. Điều này khiến các quyết định của họ thường rất chắc chắn và ít rủi ro hơn.
Tìm hiểu phương pháp huấn luyện Percoach – Khai mở tiềm năng nhân sự đã được các doanh nghiệp áp dụng thành công trong việc truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân sự trong webinar ONLINE MIỄN PHÍ sau: http://truesuccess.asia/webinar_percoach
Lời kết
Có thể thấy, do sự hạn chế hơn về mặt giao tiếp nên để quản trị nhân sự hướng nội hiệu quả, người lãnh đạo phải tập trung vào khai thác thế mạnh của họ thay vì chỉ quan tâm bắt ép họ khắc phục các điểm yếu. Hy vọng bài viết trên của True Success có thể giúp doanh nghiệp của bạn phát triển nhanh chóng và bền vững!