Trong cuốn sách “Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors”, mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter là mô hình phân tích chiến lược giúp phân tích các lực lượng quan trọng ảnh hưởng đến cường độ cạnh tranh trong một ngành.
Trong bài viết dưới đây, True Success sẽ giúp bạn hiểu được cạnh tranh là gì và 5 áp lực cạnh tranh trong mô hình Michael Porter một cách chi tiết nhất.
Cạnh tranh là gì?
Cạnh tranh được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, cũng có nhiều định nghĩa về cạnh tranh tuy nhiên, trong khoa học kinh tế cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm mục đích lôi kéo ngày càng nhiều khách hàng về phía mình.
Vậy để có thể lôi kéo được khách hàng về phía mình thì doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các lực lượng cạnh tranh trong ngành để xác định chiến lược phù hợp.
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter
5 áp lực cạnh tranh trong mô hình Michael Porter bao gồm: Đối thủ cạnh tranh trong ngành, Đối thủ tiềm ẩn, sản phẩm thay thế, nhà cung ứng và khách hàng. Ngoài ra còn các bên liên quan khác.
Đối thủ cạnh tranh trong ngành
- Số lượng đối thủ cạnh tranh: Khi số lượng các doanh nghiệp cạnh tranh trong một ngành càng nhiều thì khách hàng càng có nhiều sự lựa chọn. Do cung tăng mà cầu gần như vẫn giữ nguyên nên các doanh nghiệp sẽ luôn phải tìm cách để lôi kéo khách hàng lựa chọn mình trong số “muôn vàn” đối thủ cạnh tranh khác. Từ đó khiến mức độ cạnh tranh trong ngành đó sẽ luôn gay gắt.
- Tăng trưởng của ngành: Khi thị trường tăng trưởng chậm, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với mục đích chiếm giữ thị phần. Khi thị trường tăng trưởng quá nhanh sẽ dễ thu hút các doanh nghiệp trái ngành muốn gia nhập. Điều này khiến cuộc cạnh tranh trong ngành càng trở gay gắt hơn nữa.
- Khối lượng chi phí cố định và lưu kho: Đối với những ngành có tính kinh tế nhờ quy mô, doanh nghiệp thường sẽ lựa chọn sản xuất số lượng lớn để đạt mức chi phí tối thiểu trên từng đơn vị sản phẩm. Tuy nhiên, điều này có thể khiến chi phí logistics (kho bãi, vận chuyển…) tăng lên. Vì vậy, một số doanh nghiệp muốn tối ưu chi phí sẽ thường chọn cách tung ra số lượng lớn sản phẩm cùng lúc. Khi có nhiều đối thủ áp dụng cách này, doanh nghiệp muốn tăng lợi thế cạnh tranh thường dễ bị “cám dỗ hạ giá” để thu hút khách hàng. Tất cả điều này đều dẫn đến cường độ cạnh tranh ngày càng tăng.
- Các rào cản rút lui là những ràng buộc khiến doanh nghiệp bắt buộc phải ở lại ngành ngay cả khi tình hình kinh doanh không thuận lợi. Một số rào cản rút lui phổ biến có thể kể đến như: Đạo đức với khách hàng, chi phí cố định để rút lui, tương quan chiến lược các SBU…
Đối thủ tiềm ẩn (Đe dọa gia nhập mới)
Đối thủ tiềm ẩn (hay lực lượng gia nhập tiềm năng) là các doanh nghiệp không cạnh tranh trong ngành nhưng có khả năng gia nhập thị trường.
Các rào cản gia nhập:
- Tính kinh tế nhờ quy mô: Môi trường muốn gia nhập đã có sẵn nhiều “ông lớn”.
- Chuyên hóa sản phẩm: Sản phẩm đặc thù có điều kiện, yêu cầu về sản xuất, kinh doanh nhất định
- Nhu cầu vốn đầu tư ban đầu: Những doanh nghiệp muốn gia nhập một ngành mới thường cần nhiều vốn đầu tư để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, marketing… hơn những doanh nghiệp đã kinh doanh trong ngành trước đó.
- Chi phí chuyển đổi: Đây là chi phí người mua sẽ gặp phải khi đổi nhà cung ứng. Khi khách hàng đã quen thuộc với việc sử dụng sản phẩm của một doanh nghiệp, họ sẽ ít khi thay đổi không chỉ do yếu tố giá cả mà quan trọng là mức độ tin tưởng về chất lượng sản phẩm mới.
- Gia nhập hệ thống phân phối: Những doanh nghiệp muốn gia nhập ngành trừ khi đã có sẵn nguồn lực về sản xuất và phân phối riêng thì còn lại đều phải cần nhà cung ứng đầu vào và kinh doanh, truyền thông qua các kênh trung gian (bán buôn, bán lẻ…). Tuy nhiên, để có thể tìm kiếm và thuyết phục được những thành viên kênh phân phối uy tín, phù hợp về các chính sách giá cả, vận chuyển… thì lại không hề dễ dàng.
- Chính phủ (Kiểm soát giấy phép, nguyên vật liệu…): Nhiều ngành kinh doanh đặc thù luôn có sự kiểm soát nghiêm ngặt cũng như chịu tác động từ các chính sách của chính phủ sẽ là một rào cản lớn dành cho những doanh nghiệp mới, chưa thực sự am hiểu tường tận thị trường mới muốn “đặt chân vào”.
Nhà cung ứng và khách hàng (Quyền lực thương lượng đối với doanh nghiệp)
Dựa vào thế mạnh mỗi bên mà khách hàng và nhà cung ứng sẽ có quyền thương lượng về giá tương ứng so với doanh nghiệp trung tâm. Cụ thể có thể kể đến các yếu tố ảnh hưởng phổ biến đến quyền lực này gồm:
- Mức độ tập trung: Doanh nghiệp có thị phần lớn thì nhà cung ứng có quyền lực lớn hơn do họ là người đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, quyền lực thương lượng của khách hàng lại giảm đi do các sản phẩm từ doanh nghiệp lớn và phổ biến sẽ có mức độ tin tưởng cao hơn.
- Đặc điểm sản phẩm: Nếu sản phẩm có mức độ khác biệt hóa thấp đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà cung ứng có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thì quyền lực thương lượng của nhà cung ứng sẽ thấp đi. Đồng thời, khách hàng cũng sẽ có nhiều lựa chọn khiến quyền lực của họ đối với doanh nghiệp cũng cao hơn.
- Chuyên biệt hóa sản phẩm: Sản phẩm càng khó thay thế thì nhà cung ứng càng có quyền lực lớn hơn do không phải nhà cung ứng nào cũng đủ điều kiện để thay thế được họ. Tuy nhiên, quyền thương lượng của khách hàng sẽ giảm do họ ít có sự lựa chọn hơn.
- Chi phí chuyển đổi nhà cung ứng: Đối với những doanh nghiệp đã hoạt động một thời gian dài, những đối tác lâu năm sẽ có lợi thế về khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp, uy tín và những chính sách ưu đãi đi kèm. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ có phần bị phụ thuộc vào họ đồng nghĩa với quyền lực của nhà cung ứng cũng được tăng lên.
- Khả năng tích hợp: Đối với các doanh nghiệp độc quyền, do đặc thù sản phẩm yêu cầu sự khắt khe và tính khác biệt đồng nghĩa với không phải nhà cung ứng nào cũng có thể đáp ứng, vậy những nhà cung ứng đủ khả năng đáp ứng sẽ có quyền lực rất cao. Ngược lại, khách hàng có nhu cầu này gần như sẽ chỉ có một sự lựa chọn nên quyền lực của họ đối với doanh nghiệp sẽ rất thấp.
Sản phẩm thay thế (Đe dọa từ sản phẩm thay thế)
Sản phẩm thay thế là những sản phẩm từ ngành khác nhưng có khả năng thỏa mãn nhu cầu như nhau của khách hàng
Khi khách hàng không có sự ràng buộc mà có thể dễ dàng thay đổi sản phẩm sử dụng nghĩa là sản phẩm có nguy cơ thay thế cao. Điều này sẽ khiến mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng lên do họ cần nỗ lực để thu hút và giữ chân khách hàng.
Có nhiều nguyên dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể đến như: Chi phí chuyển đổi trong sử dụng, xu hướng sử dụng hàng thay thế, tương quan giá và chất lượng hàng thay thế…
Vậy muốn ngăn chặn tình trạng này, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc dự đoán đe dọa từ sản phẩm thay thế bằng cách: Nghiên cứu chức năng sử dụng sản phẩm thay thế và kiểm soát nguồn lực công nghệ để không bị bỏ lại phía sau trong thời đại số này.
Các bên liên quan
Các bên liên quan/nhóm ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trong ngành cùng với tiêu chuẩn tương ứng có thể kể đến gồm:
- Cổ đông: Giá cổ phiếu và lợi tức cổ phần
- Công đoàn: Lương thực tế, cơ hội thăng tiến và điều kiện làm việc
- Chính phủ: Các chương trình hỗ trợ và quá trình củng cố quy định, luật pháp
- Tổ chức tín dụng: Độ tin cậy và mức độ trung thành với điều khoản
- Hiệp hội thương mại: Mức độ tạo điều kiện phát triển và đồng hành.
- Dân chúng: Công việc của địa phương, khả năng đóng góp phát triển xã hội và mức độ tối thiểu các hành động tiêu cực
- Các nhóm quan tâm đặc biệt: Khả năng cung cấp công việc cho nhóm thiểu số và mức độ đóng góp cải thiện thành thị
Lời kết
Nền kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu của người dân cũng trở nên đa dạng hơn. Cầu tăng thì cung tăng, điều này khiến cho mức độ cạnh tranh trong tất cả các ngành nghề đều trở nên gay gắt. Để dành được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự đầu tư và nhạy bén. Hy vọng những chia sẻ về mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter của True Success trong bài viết trên có thể giúp doanh nghiệp của bạn phát triển nhanh chóng và bền vững!
Xem thêm: Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Vinamilk
Đăng ký Ebook 5 NĂNG LỰC CỐT LÕI CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC của chuyên gia huấn luyện và phát triển con người Harry Trịnh ngay tại đây: http://truesuccess.asia/ebook-nang-luc-cot-loi/
Tìm hiểu phương pháp huấn luyện Percoach – Khai mở tiềm năng nhân sự đã được các doanh nghiệp áp dụng thành công trong việc thúc đẩy nhân sự chủ động trong webinar ONLINE MIỄN PHÍ sau: http://truesuccess.asia/webinar_percoach