Tư duy hệ thống ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại công nghệ số và sự phát triển không ngừng của xã hội. Đó không chỉ là cách nhìn nhận, phân tích vấn đề một cách toàn diện, mà còn là khả năng dự đoán, kiểm soát và điều chỉnh các yếu tố trong hệ thống để đạt được mục tiêu mong muốn. Tư duy hệ thống không chỉ áp dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, mà còn trong quản lý, kinh doanh, giáo dục và đời sống hàng ngày.
Trong bài viết này, True Success sẽ giúp bạn khám phá tư duy hệ thống là gì, tầm quan trọng của nó, và cách áp dụng tư duy này để giải quyết các vấn đề phức tạp trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Tư duy hệ thống là gì?
Tư duy hệ thống là một loại hình tư duy mới, bên cạnh những loại hình tư duy quen thuộc như tư duy nhân quả, tư duy logic, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện.
Tư duy hệ thống là tư duy hướng tới tổng thể, thay vì nhìn vào từng thành phần đơn lẻ, tư duy hệ thống nhìn vào liên kết và cách thức tổ chức của các thành phần đó. Sự liên kết của các thành phần có ảnh hưởng quan trọng trực tiếp lên tổng thể, quyết định bản chất của tổng thể.
Tư duy hệ thống khuyến khích chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề, đưa ra những giải pháp với tầm nhìn xa, rộng và bền vững.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn sự vận động của sự vật theo dòng chảy của thời gian.
Đặc điểm của Tư duy hệ thống
- Khi mình nhìn vào một vấn đề, góc cạnh nhỏ thì chúng ta cần phải bình tĩnh nhìn vào bức tranh lớn.
- Cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Đừng mải tập trung vào dài hạn mà quên ngắn hạn. Đừng tập trung vào ngắn hạn mà coi thường dài hạn.
- Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhận thức được sự đa dạng, phức tạp và độc lập của hệ thống. Đừng nghĩ mọi thứ đơn giản. Lỗi của não chúng ta là luôn nghĩ mọi thứ đơn giản để dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng khi làm mọi thứ đơn giản quá thì không giải quyết được vấn đề lại gây ra rắc rối. Do đó, chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta đang sống trong một hệ thống phức tạp.
- Coi trọng đồng thời các yếu tố đo lường được và không đo lường được, hữu hình và vô hình. Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn được cả vào văn hóa, động lực, tư duy, uy tín thương hiệu và mối quan hệ, sức khỏe của doanh nghiệp.
Những khác biệt của tư duy hệ thống với những tư duy khác?
Cách tiếp cận của tư duy truyền thống | Cách tiếp cận của tư duy hệ thống |
Tập trung vào việc tách riêng lẻ từng vấn đề, từng mảng của đối tượng được nghiên cứu | Tập trung vào các đối tượng được nghiên cứu tương tác với các thành phần khác của hệ thống |
Nghiên cứu, phân tích từng vấn đề riêng lẻ, dựa trên đó rút ra kết luận cái toàn thể (phương pháp qui nạp) | Tập trung nghiên cứu toàn thể các vấn đề cả hữu hình lẫn vô hình, đo lường được lẫn không đo lường được, nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa chúng |
Chỉ tập trung vào kết quả | Tập trung vào tiến trình dẫn tới kết quả |
Doanh nghiệp dưới góc nhìn tư duy hệ thống
Dưới tư duy hệ thống, có nhiều góc nhìn về doanh nghiệp, ví dụ như là:
- Doanh nghiệp là tập hợp một nhóm người hợp tác với nhau cùng hành động để thực hiện mục tiêu hay giải quyết vấn đề nào đó cho những người khác nhằm thu được lợi nhuận.
- Doanh nghiệp là một phần tử đặt trong hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội (và nhiều hệ thống khác), chịu sự tác động theo qui luật hệ thống của các hệ thống này
- Bản thân doanh nghiệp cũng là một hệ thống, chứa đựng bên trong nhiều hệ thống con khác như nhân sự, sản xuất, bán hàng, tài chính, nội qui, qui định, văn hóa… Các hệ thống này có tác động lẫn nhau một cách chặt chẽ để cùng thực hiện tầm nhìn, mục tiêu chung của doanh nghiệp.
- Một doanh nghiệp hiệu quả là một doanh nghiệp tổ chức hiệu quả được những vấn đề bên trong của mình đồng thời hài hòa bản thân với những hệ thống bên ngoài nhằm mục đích thu được lợi nhuận bền vững.
- Doanh nghiệp luôn vận động và biến đổi theo thời gian và môi trường bên ngoài, vậy nên các hệ thống bên trong doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi và thích ứng kịp thời để tồn tại, phát triển.
Lợi ích của tư duy hệ thống trong phát triển doanh nghiệp bền vững
Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn doanh nghiệp ở tổng quan, sâu sắc, hướng tới dài hạn và bền vững:
Khi điều hành doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo thường theo xu hướng bị hút vào một vài vấn đề nào đó và thổi phồng lên làm cho chúng trở nên quan trọng nhất, chỉ tập trung vào đó. Điều này làm cho các bộ phận trong doanh nghiệp trở nên mất cân đối, đứt gãy kết nối và hệ thống – doanh nghiệp hoạt động mất thăng bằng, kém hiệu quả thậm chí đứt gãy.
Các nhà lãnh đạo còn có xu hướng đánh giá vấn đề thông qua các hành vi thể hiện bề nổi của chúng, và khi xuất hiện vấn đề thì tập trung giải quyết bề nổi này (đạt được kết quả giả tạo – vì vấn đề chỉ được giải quyết trên ngọn mà không được giải quyết tận gốc, ẩn bên dưới những vấn đề đó là những yếu tố phức tạp khác, là nguyên nhân tạo ra vấn đề đó, cần được xem xét xử lý)
Tư duy hệ thống cũng giúp chúng ta nhận ra rằng, mọi mánh lới để đạt được kết quả thần tốc, hay những thành công ảo, hư danh sẽ nhanh chóng bị đánh mất khiến doanh nghiệp có nguy cơ sụp đổ. Chỉ có bằng cách tập trung vào giải quyết những vấn đề thực sự của con người, một cách chính trực tử tế, với một chiến lược hợp lý thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững được. Một doanh nghiệp nên tập trung vào những lợi ích dài hạn hơn là đạt được những lợi ích ngắn hạn một cách sai lầm.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhất quán tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tập trung vào năng lực lõi, phát huy thế mạnh, tập trung vào một phân khúc khách hàng nhất định, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
Tư duy hệ thống có thể giúp những nhà lãnh đạo đưa ra kịch bản có thể xảy ra trong tương lai, từ đó giúp doanh nghiệp có những chuẩn bị và điều chỉnh thích ứng kịp thời, linh hoạt với môi trường kinh doanh biến động liên tục, doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt được nhiều cơ hội và loại bỏ nhiều rủi ro.
Tư duy hệ thống giúp doanh nghiệp có chiến lược dài hạn, thay vì phát triển nóng và đốt cháy giai đoạn, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý, tập trung vào những vấn đề quan trọng để quản trị thay vì lạc lối giữa rất nhiều vấn đề phát sinh, từ đó đạt được hiệu quả cao hơn.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn doanh nghiệp ở mối liên kết
Một doanh nghiệp phát triển không chỉ tập trung vào một vài ngôi sao tài năng, hay một vài yếu tố như tài chính, mối quan hệ, sản phẩm tốt, tầm nhìn rõ ràng… Sức mạnh của doanh nghiệp nằm ở sức mạnh của sự liên kết giữa các yếu tố đó. Sự hợp lý, tần suất, mức độ liên kết sẽ quyết định sức mạnh của hệ thống – doanh nghiệp.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta thúc đẩy các yếu tố trong doanh nghiệp về cùng một hướng và đúng đích
Doanh nghiệp là một hệ thống, bởi vậy doanh nghiệp cần có một mục đích (tầm nhìn) rất rõ ràng, cũng cần có các mục tiêu dài, trung, ngắn hạn cụ thể. Chỉ khi toàn bộ hệ thống cùng nhìn về một đích thì sức mạnh thực sự của doanh nghiệp mới được phát huy. Các bộ phận, nguồn lực, hoạt động, chiến lược đều phải hướng đích.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta hài hòa các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Bên cạnh việc quản trị tốt các yếu tố bên trong, tư duy hệ thống cho thấy doanh nghiệp cần quan tâm đến các yếu tố bên ngoài (vì doanh nghiệp là một phần tử của nhiều hệ thống khác) như tình hình thị trường, nhu cầu khách hàng, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa nơi doanh nghiệp phát triển hoặc cung cấp sản phẩm dịch vụ ra. Các yếu tố bên trong tác động đến các yếu tố bên ngoài, nhưng các yếu tố bên ngoài cũng tác động ngược lại, điều chỉnh các yếu tố bên trong, chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các yếu tố này, doanh nghiệp mới liên tục thích ứng và phát triển bền vững được.
Tư duy hệ thống giúp chúng ta quan tâm cả đến các yếu tố hữu hình và vô hình, đo lường được và không đo lường được của doanh nghiệp
Với các phương pháp quản trị hiện tại, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào những yếu tố hữu hình và đo lường được như nhân sự, hiệu suất, năng suất, số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp, tài chính… Điều này thực sự chưa đủ cho một doanh nghiệp phát triển, vì có nhiều yếu tố vô hình, không đo lường được cũng rất quan trọng như năng lượng, tinh thần, động lực, đam mê, nhiệt huyết, sự gắn kết, tầm nhìn, sứ mệnh…
Tư duy hệ thống sẽ giúp nhà lãnh đạo quan tâm tới đồng thời các yếu tố này.
Lời kết
Tư duy hệ thống là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta nhìn nhận và giải quyết các vấn đề phức tạp một cách hiệu quả và toàn diện. Bằng cách hiểu rõ các yếu tố và mối quan hệ trong một hệ thống, chúng ta có thể dự đoán, kiểm soát và điều chỉnh để đạt được những kết quả mong muốn. Áp dụng tư duy hệ thống vào cuộc sống và công việc không chỉ giúp cải thiện hiệu suất mà còn giúp chúng ta thích ứng tốt hơn với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Hy vọng rằng bài viết này đã mang lại cho bạn những kiến thức bổ ích và gợi mở những cách tiếp cận mới để đối mặt với các thách thức trong tương lai. Hãy bắt đầu áp dụng tư duy hệ thống vào thực tiễn và cảm nhận sự khác biệt!