Sự khác biệt về tư duy và phong cách sống khiến nhân sự gen Z trở thành một ẩn số tiềm năng nhưng khó nắm bắt đối với nhiều doanh nghiệp. Trong bài viết này, True Success sẽ giúp nhà quản trị trả lời câu hỏi: Liệu nhân sự gen Z có đang đòi hỏi quá mức khi đi làm?
Gen Z là ai?
Gen Z (Generation Z), hay còn gọi là Thế hệ Z, là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012. Vì được sinh ra vào thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, nên Gen Z còn có các tên gọi khác là: iGeneration, Homeland Generation, Net Gen, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Pluralist Generation, Internet Generation, Centennials, Hậu – Millennials, Zoomer, Gen Wii, Gen-Tech
Hiện nay, gen Z đang là nguồn nhân lực vàng với về cả số lượng và chất lượng trên thị trường lao động. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số đang phát triển từng ngày, khả năng sáng tạo và thích nghi vượt trội của gen Z chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển và đột phá.
Đặc điểm của nhân sự gen Z
Đi làm không vì tiền nhưng ít tiền thì phải cần cân nhắc
Điều gen Z nổi bật hơn các thế hệ trước chính là sự tự tin thể hiện cá tính của mình. Họ có tinh thần cạnh tranh cao và khao khát mãnh liệt được chứng minh bản thân. Vì vậy, đối với những bạn có khả năng sáng tạo cao sẽ có thể tìm được nhiều cách để chủ động tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân.
Điển hình như trở thành tiktoker, youtuber, reviewer… có thể kiếm đến hàng trăm triệu một tháng. Bên cạnh đó, cũng không ít bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp để tự quyết định con đường sự nghiệp của mình. Còn đối với thành phần gen Z theo đuổi công việc văn phòng truyền thống, họ cũng có xu hướng dễ bị thu hút bởi những môi trường có thể mang đến cho họ cơ hội được học hỏi và nâng cấp bản thân mỗi ngày.
Tuy nhiên, vì sinh ra và lớn lên trong thời đại kinh tế – xã hội phát triển mạnh khiến yêu cầu chất lượng cuộc sống của gen Z cũng cao hơn hẳn những thế hệ trước. Đặc biệt, khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng thì gen Z cũng có nhiều lựa chọn hơn, vậy việc xảy ra sự so sánh chính sách đãi ngộ giữa các công ty là khó có thể tránh khỏi.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn nhân sự tại Mỹ Ripple Match cho thấy: Bắt đầu từ năm 2021, “lương, thưởng” đã trở thành yếu tố ưu tiên lựa chọn công việc được nhiều sinh viên mới ra trường lựa chọn nhất, vượt qua cả yêu cầu khác về môi trường, văn hóa doanh nghiệp, khả năng phát triển chuyên môn và lộ trình thăng tiến cụ thể.
Điều này càng dễ hiểu hơn khi sau đại dịch Covid-19 dẫn đến mất cân bằng đời sống hằng ngày, khiến nhân sự gen Z càng coi trọng vấn đề tài chính cá nhân phải thật sự phù hợp và ổn định.
Thích linh hoạt online nhưng muốn tương tác offline
Bản chất gen Z thường rất cởi mở và phóng khoáng nên họ có thể làm việc độc lập rất tốt và có yêu cầu về không gian, thời gian để thoải mái sáng tạo theo cảm xúc bản thân. Điều này cũng đã được chứng minh trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến các doanh nghiệp phải chuyển sang phương thức WFH (Work from home), tuy nhiên nhân sự gen Z vẫn có thể nhanh chóng thích nghi và đảm bảo năng suất làm việc không tụt dốc.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Dell Technologies lại cho thấy 74% gen Z tham gia phỏng vấn có nhu cầu làm việc trực tiếp với đồng nghiệp và 82% người trẻ muốn học hỏi trực tiếp từ sếp của mình.
Giải pháp doanh nghiệp khai thác nhân sự gen Z
Đánh giá khách quan
Nhà quản lý cần bỏ qua các định kiến và nhìn nhận nhân sự gen Z của mình một cách khách quan để thấy được tiềm năng của họ và đâu là nguyên nhân khiến họ không phát huy hết tiềm năng đó vào quá trình làm việc.
Lắng nghe và tôn trọng
Với những nhân sự cá tính như gen Z thì phương pháp quản trị chuyên quyền, áp đặt sẽ không thể phù hợp và sẽ khiến quá trình nhảy việc diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, hãy cho họ thấy họ được tôn trọng bằng cách thúc đẩy họ chủ động thể hiện quan điểm, cho họ cơ hội được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Cương nhu đúng lúc
Bên cạnh việc để nhân sự gen Z được thể hiện quan điểm cá nhân, nhà lãnh đạo vẫn cần đảm bảo những cuộc họp, những buổi trao đổi diễn ra trong tầm kiểm soát, kịp thời xoa dịu hay ngăn cản cái tôi cá nhân của nhân sự gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa các đồng nghiệp với nhau.
Lộ trình thăng tiến minh bạch
Để có thể giữ chân gen Z, cần cho họ thấy họ sẽ có thể học gì, làm gì và đạt được điều gì cụ thể khi làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó, giúp họ có động lực để phấn đấu, cố gắng vượt qua áp lực để đạt được vị trí cao nhất mà mình muốn.
Lời kết
Tóm lại, bản chất những “tiêu chuẩn kép” của nhân sự gen Z hoàn toàn có thể giải thích được. Vấn đề của các doanh nghiệp chính là làm thế nào để thấu hiểu và tìm ra phương pháp để giữ chân “nguồn nhân lực vàng” này.
Xem thêm: PERCOACH là gì? Cách ứng dụng vào doanh nghiệp hiệu quả